MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY CÁC CƠ QUAN TỈNH BẮC GIANG

Thứ hai - 01/06/2020 20:41 354 0
 Thực hiện Quy định 293-QĐ/TW ngày 23/3/2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, thành phố (viết tắt là Quy định 293-QĐ/TW); tính đến tháng 12/2019, Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Bắc Giang có 77 chi, đảng bộ trực thuộc (41 đảng bộ, 36 chi bộ cơ sở; 292 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở) với 4.584 đảng viên.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG  CỦA ĐẢNG ỦY CÁC CƠ QUAN TỈNH  BẮC GIANG
       Thực hiện Quy định 293-QĐ/TW ngày 23/3/2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, thành phố (viết tắt là Quy định 293-QĐ/TW); tính đến tháng 12/2019, Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Bắc Giang có 77 chi, đảng bộ trực thuộc (41 đảng bộ, 36 chi bộ cơ sở; 292 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở) với 4.584 đảng viên. Ban Thường vụ Đảng ủy đã lãnh đạo thực hiện tốt Đề án số 02-ĐA/ĐU ngày 20/7/2016 về tăng cường kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của các chi, đảng bộ cơ sở giai đoạn 2016-2020. Tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, triển khai Quyết định số 102-QĐ/TU ngày 12/5/2016 về Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy CCQ tỉnh với các cơ quan, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và các huyện ủy, thành ủy; Đảng ủy đã ký quy chế phối hợp với Thành ủy Bắc Giang, Thanh tra tỉnh, Trường Chính trị tỉnh trên một số mặt công tác, nhất là công tác quản lý cán bộ, đảng viên, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã tạo được sự chuyển biến trên 3 mặt: Nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật trong Đảng và đổi mới tác phong trong Đảng. Song, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc như:
Thứ nhất, về tổ chức, bộ máy, Đảng ủy CCQ không có chính quyền cùng cấp, theo Quy định 293-QĐ/TW không có đầy đủ các cơ quan tham mưu, giúp việc như Đảng bộ huyện, thành phố (không có Ban Dân vận, Ban Nội chính và Trung tâm bồi dưỡng chính trị, mà cán bộ cơ quan phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ này).
        Thứ hai, việc thực hiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ còn khó khăn. Đảng ủy có chức năng phối hợp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, song phương thức lãnh đạo nhiệm vụ này lại chưa được quy định rõ trách nhiệm.
Thứ ba, việc quản lý hệ thống tổ chức đảng, đoàn thể và một số cơ quan chuyên môn còn có sự bất cập, chồng chéo giữa quản lý theo ngành và theo lãnh thổ. Trong một hệ thống ngành dọc, tổ chức đảng của cơ quan cấp tỉnh trực thuộc Đảng uỷ Các cơ quan, nhưng tổ chức đảng của cơ quan cấp dưới trực tiếp lại sinh hoạt ở đảng bộ địa phương; cơ quan cấp trên quản lý cán bộ, công chức, nhưng đảng viên lại sinh hoạt theo hệ thống khác nên thiếu sự gắn kết giữa công tác lãnh đạo với hoạt động chỉ đạo, quản lý. Đảng ủy hiện có 3 đoàn thể thuộc phạm vi lãnh đạo: Hội Cựu Chiến binh Các cơ quan tỉnh, Công đoàn viên chức tỉnh, Đoàn Thanh niên Các cơ quan tỉnh. Theo nguyên tắc chung là Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, nhưng ở một số đơn vị, tổ chức đảng và tổ chức đoàn thể trực thuộc 2 hệ thống khác nhau: Tổ chức Công đoàn thuộc Công đoàn viên chức, nhưng tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp; một số tổ chức công đoàn cơ quan, đơn vị thuộc công đoàn ngành do Liên đoàn Lao động tỉnh hoặc ngành dọc Trung ương quản lý, trong khi đó tổ chức đảng lại thuộc Đảng bộ Các cơ quan tỉnh. Tổ chức đảng các trường đại học, cao đẳng thuộc Đảng bộ Các cơ quan, nhưng tổ chức Đoàn Thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Thanh niên quản lý.
        Thứ tư, một số quy định Trung ương ban hành đã nhiều năm chậm được tổng kết, bổ sung, sửa đổi. Quy định 97, 98-QĐ/TW của Ban Bí thư (ban hành năm 2004) về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Quy định số 293-QĐ/TW (ban hành năm 2010) đến nay chưa bổ sung, sửa đổi những nội dung vướng mắc; dẫn đến nội dung, phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy cơ sở chưa rõ nét, hiệu quả thực hiện chưa cao. Hiện nay, trong một số ngành, đoàn thể của tỉnh còn tồn tại hai tổ chức đảng là ban cán sự đảng hoặc đảng đoàn và cấp ủy. Việc phối hợp giữa Đảng ủy Các cơ quan tỉnh và cấp ủy cơ sở với ban cán sự đảng, đảng đoàn trong thực hiện nhiệm vụ nói chung còn thiếu chặt chẽ, còn sự chồng chéo trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quán triệt triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng…
          Một số giải pháp và kiến nghị
      Một tổ chức mà phương thức hoạt động chưa cụ thể, rõ ràng, thì hiệu quả hoạt động sẽ không cao; để thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; mặt khác, hiện nay, tổ chức Đảng các cấp đang tiến hành Đại hội, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cần phải tổng kết về lý luận và thực tiễn, đưa ra giải pháp để Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh hoạt động hiệu quả hơn.
         Trung ương cần nghiên cứu “luật hóa” các quy phạm điều chỉnh hoạt động của Đảng ủy Các cơ quan tỉnh, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hoá Quy định số 293-QĐ/TW, trong đó xác định rõ tổ chức, bộ máy cơ quan Đảng ủy; mối quan hệ công tác, trách nhiệm, nội dung phối hợp của Đảng uỷ; quy định phân cấp cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng uỷ trong các khâu công tác cán bộ đối với các đối tượng cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và diện người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh quản lý là đảng viên của Đảng bộ Các cơ quan. Nghiên cứu, cụ thể hóa công tác cán bộ thành các văn bản quy định, hướng dẫn, trách nhiệm và thẩm quyền rõ ràng của từng cấp ủy đảng để hiện thực hóa được cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua tổ chức đảng và đảng viên. Thực tế, trong công tác tổ chức cán bộ, tình trang phổ biến là cấp ủy cơ sở chưa có vai trò quyết định, chỉ được “tham gia ý kiến” về sắp xếp tổ chức và bố trí cán bộ do ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã thông qua chủ trương. Do vậy, chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”. Cùng với đó, trong cùng một cơ quan, đơn vị, quy hoạch cấp ủy và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đồng bộ, thống nhất, thậm chí hoàn toàn độc lập với nhau; có đồng chí được quy hoạch cán bộ cấp trưởng phòng trở lên lại không nằm trong quy hoạch cấp ủy và ngược lại.
        Trung ương cần xác định rõ hơn thẩm quyền kiểm tra, giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý trong thực hiện nhiệm vụ được giao; giao trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Các cơ quan về công tác cán bộ và công tác quản lý đảng viên. Đây chính là một trong những giải pháp tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực; cũng là giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
         Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang cần chỉ đạo rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng (hiện nay, Tỉnh ủy Bắc Giang chưa ban hành riêng quy định chức năng, nhiệm vụ của Đảng ủy Các cơ quan tỉnh theo Quy định 293-QĐ/TW), xác định rõ ràng, cụ thể đối tượng, phạm vi, cơ chế và phương thức lãnh đạo cho phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm tuân thủ Điều lệ Đảng, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ quan Đảng ủy Các cơ quan và tạo điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần quan tâm quy hoạch, luân chuyển các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý công tác ở Đảng ủy đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hoặc luân chuyển ngang giữa 02 Đảng ủy Khối hoặc đến các huyện thành phố và ngược lại (Cơ quan Đảng ủy hiện có 19 cán bộ; trong đó 2 hợp đồng theo Nghị định 68-NĐ/CP, 2 cán bộ Công đoàn viên chức tỉnh thuộc biên chế Liên đoàn Lao động tỉnh. Về trình độ chuyên môn, học hàm, học vị: PGS.TS: 01 đ/c; Thạc sĩ: 08 đ/c; Đại học: 09 đ/c. Về trình độ chính trị: Cao cấp, cử nhân: 09 đ/c).
         Ban Thường vụ Đảng ủy Các cơ quan tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng ủy và các cấp ủy cơ sở; chủ động đề ra các chương trình phối hợp giữa Đảng ủy với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện ủy, thành ủy trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và công tác quản lý cán bộ, đảng viên. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là tình hình chính trị hiện nay. Chú trọng chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt theo chuyên đề, khắc phục bệnh coi nhẹ sinh hoạt đảng, coi nhẹ công tác đảng, bệnh lười học nghị quyết của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
                                                                                                                          
                                                                                                                                        Nguyễn Thị Phú
                                                                                                   Phó bí thư Đảng ủy Các cơ quan tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây