GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN TỐT CHỈ THỊ 26 -CT/TU CỦA BTV TỈNH UỶ Ở ĐẢNG BỘ CÁC CƠ QUAN TỈNH HIỆN NAY

Thứ tư - 06/09/2023 23:13 1.656 0
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1], “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”[2]. Đảng ta cũng nhiều lần chỉ rõ, đó là vấn đề then chốt của nhiệm vụ then chốt. Cán bộ, công chức, viên chức là những người đang công tác, đang giữ những chức danh, chức vụ, vị trí việc làm nhất định trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị. Vì thế, tác phong, lề lối làm việc, ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi người khi thực thi công vụ là vấn đề đặc biệt phải chú ý, nó thể hiện tư cách của người cán bộ, đảng viên. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1947, khi Đảng mới lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng và giành được chính quyền, trong điều kiện vừa phải kháng chiến và kiến quốc, ở Chiến khu Việt Bắc, có biết bao công việc phải lo toan, nhưng Bác Hồ (với bút danh X.Y.Z) đã phải viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, chỉ rõ những căn bệnh nguy hiểm của người cán bộ, đảng viên thường mắc phải và cách sửa chữa những căn bệnh đó như thế nào. Cho đến nay những điều Bác dạy trong đó vẫn còn nguyên giá trị.
Về vấn đề này, nhiều văn bản, nghị quyết Đảng ta đã đề cập đến và yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, từ ngày 04/7/2014 BTV Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về “chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”. Sau hơn 9 năm tổ chức thực hiện, BTV Tỉnh uỷ đã tổng kết, đánh giá những kết quả, thành tích đạt được là rất tích cực, song cũng còn không ít những hạn chế khuyết điểm, cần phải sớm khắc phục, và cũng vì vậy ngày 02/6/2023 BTV Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU về tiếp tục“Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”. Đây là một văn bản rất quan trọng mà mỗi người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh nói chung và ở các cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Các cơ quan tỉnh nói riêng phải nhận thức đúng đắn và tổ chức thực hiện cho thật tốt, và chỉ khi thực hiện tốt những điều đó thì mới giải toả được “điểm nghẽn”, tạo cú hích, bước đột phá trong lĩnh vực cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, từ đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Làm cho Bắc Giang trở thành điểm sáng trong cả Nước, củng cố lòng tin của Nhân dân và các doanh nghiệp đối với cấp uỷ, chính quyền của tỉnh.
Đảng bộ Các cơ quan tỉnh là một trong 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Tính đến ngày 30/6/2023, toàn Đảng bộ Các cơ quan tỉnh có 73 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (41 đảng bộ và 32 chi bộ), tổng số 4.805 đảng viên. Nét đặc thù của Đảng bộ là hầu hết đảng viên đều là cán bộ, công chức, viên chức, hiện đang làm việc trong các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, hoặc các đơn vị sự nghiệp của tỉnh, rất nhiều đồng chí là cấp uỷ viên từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là những cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị của tỉnh, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh hoạch định và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể của tỉnh. Vì thế việcchấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ” của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị là việc cần kíp, tất yếu, khách quan, phải thực hiện thường xuyên, liên tục và thực hiện một cách quyết liệt.
 Nội dung Chỉ thị 26 CT/TU của BTV Tỉnh uỷ đã nêu rõ những việc cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải làm; phân công rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Vấn đề đặt ra là mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên phải nhận thức và đề ra những giải pháp như thế nào để tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo được sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong các hoạt động công vụ ở cơ quan, đơn vị mình? Tô đẹp hơn hình ảnh của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đảng bộ Các cơ quan tỉnh là một trong 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Tính đến ngày 30/6/2023, toàn Đảng bộ Các cơ quan tỉnh có 73 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (41 đảng bộ và 32 chi bộ), tổng số 4.805 đảng viên. Nét đặc thù của Đảng bộ là hầu hết đảng viên đều là cán bộ, công chức, viên chức, hiện đang làm việc trong các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, hoặc các đơn vị sự nghiệp của tỉnh, rất nhiều đồng chí là cấp uỷ viên từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là những cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị của tỉnh, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh hoạch định và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh trật tự an toàn xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể của tỉnh. Vì thế việcchấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ” của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị là việc cần kíp, tất yếu, khách quan, phải thực hiện thường xuyên, liên tục và thực hiện một cách quyết liệt; nếu làm được tốt thì có tầm ảnh hưởng rộng đến phạm vi toàn tỉnh và như vậy hiệu quả rất lớn. Đây là lý do chính Đảng uỷ Các cơ quan đã xác định rõ trách nhiệm phải là đơn vi tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị này.
Ngay sau khi Chỉ thị 26-CT/TU được ban hành, Đảng uỷ Các cơ quan tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến, kết hợp với trực tiếp phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và chỉ đạo tiến hành đợt sinh hoạt tư tưởng trong toàn Đảng bộ. Nhiều nơi đã tổ chức sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ theo chuyên đề, thảo luận sâu về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị. Mặt khác, để tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, làm cho Chỉ thị này sớm đi vào đời sống, phát huy tác dụng thiết thực, BTV Đảng uỷ Các cơ quan tỉnh đã chỉ đạo và yêu cầu các ban, cơ quan của Đảng uỷ, các cấp ủy cơ sở, các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên) phối hợp với tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Phải làm tốt công tác tư tưởng, tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu rộng các nội dung Chỉ thị số 26 -CT/TU của BTV Tỉnh uỷ và nội dung các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định có liên quan. Gia tăng các hoạt động tuyên truyền, biểu dương những gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo, đồng thời phê phán những tập thể, cá nhân chưa thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị. Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, pano, áp phích, khẩu hiệu, thông qua sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ theo chuyên đề, hội thảo khoa học, hội nghị toạ đàm trao đổi, qua trang Website, các cổng thông tin điện tử, Zalo… Qua đó làm cho mọi người nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc chấn chỉnh, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nhận thức đúng sẽ là tiền đề để hành động đúng, mọi người tự giác thực hiện Chỉ thị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc” [3], “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”[4]. Ban Tuyên giáo Đảng ủy các cơ quan tỉnh phải làm tốt vai trò chỉ đạo, định hướng nội dung tuyên truyền theo chức năng của mình.
Hai là, tiến hành rà soát lại hệ thống các văn bản đã ban hành liên quan đến đạo đức công vụ, tác phong, lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tập trung xây dựng hoặc bổ sung các chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức… nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị 26-CT/TU bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt là yêu cầu hằng năm mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên phải xây dựng chương trình hành động của mình, trong đó phải cụ thể hoá phương châm “03 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung); sẵn sàng nhận và nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải đề ra kế hoạch cụ thể thực hiện phương châm “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn). Các cấp ủy cơ sở, tổ chức đảng phối hợp với tập thể lãnh đạo cơ quan chủ động xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác với phương châm “05 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả), không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ, không né tránh, đùn đẩy công việc cho cơ quan khác hoặc lên cấp trên.
Trong sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ hằng tháng phải thực hiện tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị này đối với từng cán bộ, đảng viên. Đưa kết quả thực hiện Chỉ thị 26-CT/TU thành tiêu chí quan trọng trong kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên hằng năm. Ban Tổ chức Đảng uỷ Các cơ quan tỉnh có trách nhiệm tham mưu giúp BTV Đảng uỷ chỉ đạo, đôn đốc, đồng thời hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện của các cấp uỷ cơ sở trong toàn Đảng bộ.
Ba là, phải đề cao vai trò nêu gương trong tổ chức thực hiện của người đứng đầu cấp uỷ, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị và vai trò của cấp uỷ, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nội dung Chỉ thị; phải thường xuyên, sâu sát, nắm chắc tình hình, phẩm chất, năng lực, sở trường, tâm tư, tình cảm, điều kiện hoàn cảnh, những khó khăn, vướng mắc của từng người cán bộ, công chức, viên chức để có sự phân công, bố trí một cách hợp lý, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, động viên, khuyến khích để họ thực thi tốt nhiệm vụ được giao.
Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn với thanh tra công vụ, thanh tra nhân dân; đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 26- CT/TU vào chương trình, kế hoạch của cấp ủy và uỷ ban kiểm tra (UBKT) các cấp, hoặc chương trình, kế hoạch thanh tra của các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoặc thanh tra, phát hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu để biểu dương, đồng thời phải chủ động phát hiện những tập thể cá nhân có dấu hiệu vi phạm để đề xuất tiến hành kiểm tra, thanh tra làm rõ mức độ vi phạm, xem xét xử lý một cách kịp thời, nghiêm minh những tập thể, cá nhân có sai phạm. UBKT Đảng uỷ Các cơ quan tham mưu với BTV Đảng uỷ phối hợp với các cơ quan có chức năng (như UBKT Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ…) thực hiện một số cuộc kiểm tra đột xuất việc thực hiện Chỉ thị này ở các cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Các cơ quan tỉnh.
Năm là, BTV Đảng uỷ Các cơ quan tỉnh và các cấp uỷ cơ sở phải quan tâm thường xuyên chỉ đạo Công đoàn viên chức, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh các cơ quan tỉnh và các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị 26-CT/TU; cụ thể hoá các nội dung Chỉ thị này thành các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong tổ chức mình, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, bảo đảm hiệu quả thiết thực. Đồng thời chú trọng làm tốt vai trò giám sát, phản biện của mình theo chức năng thẩm quyền, góp phần xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, xây dựng đoàn thể trong sạch vững mạnh toàn diện.
Thực hiện một cách đồng bộ, kiên quyết, kiên trì các giải pháp trên chúng ta có thể tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ có được bước chuyển biến tích cực trong các hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong toàn Đảng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, từng bước xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu, đẹp văn minh, hạnh phúc./.
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, 309
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr280,
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, t.9, tr.309
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 114

Tác giả bài viết: PGS.TS Thân Minh Quế, TUV, Bí thư Đảng uỷ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây