Cán bộ và công tác cán bộ luôn là những vấn đề rất hệ trọng, quyết định đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Khi nói đến tiêu chuẩn người cán bộ, người ta hay nhắc đến 2 yếu tố cơ bản là “Đức” và “tài”. Đó là phẩm chất, năng lực cần phải có của mỗi con người nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng. “Đức” là đạo đức, là phẩm chất tốt đẹp do con người tu dưỡng, rèn luyện theo những tiêu chuẩn được xã hội thừa nhận, còn “Tài” thể hiện ở năng lực, khả năng làm việc của mỗi người trong công việc của mình (có xuất sắc, sáng tạo hay không? hiệu quả thế nào?).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về đức và tài của người cán bộ, đảng viên. Người đã chỉ rõ đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển của con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của của sông, suối. Người nói: "Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là đạo đức trong hành động, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Người luôn đặt đạo đức bên cạnh tài năng, gắn đức với tài, lời nói đi đôi với hành động và hiệu quả thực tế. Theo Bác: "Có tài mà không có đức ví như một anh là kinh tế tài chính giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài, ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”. Đồng thời Người yêu cầu: "Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất".
Như vậy, yếu tố đức và tài của người cán bộ, đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó đức là gốc, nhưng tài là quan trọng và không được xem nhẹ mặt nào. Hai mặt đức và tài của người cán bộ, đảng viên không tách rời nhau, tạo điều kiện cho nhau, giúp cho con người hoàn thiện mình và do đó làm cho Đảng ta trở thành Đảng đạo đức và văn minh.
Những điều nêu trên có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với việc rèn luyện, tu dưỡng đức và tài của tất cả mọi người dân Việt Nam nói chung và với cán bộ, đảng viên nói riêng. Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi cả nước đang ra sức thực hiện sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, cộng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nhiều hơn nữa, cả về đức và tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Bắc Giang là một trong 15 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh. Theo Quy định số 293-QĐ/TW, ngày 23/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương, Đảng ủy có chức năng lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng trong khối thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan và đoàn thể trong khối vững mạnh; kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên trong khối chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ về các chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng...
Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy và các cấp ủy cơ sở trong Đảng bộ Các cơ quan tỉnh đã tích cực phối hợp với tập thể lãnh đạo các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các đơn vị trực thuộc trong công tác cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cấp ủy viên; cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ có đủ đức và tài, ngang tầm nhiệm vụ.
Tính đến tháng 30/12/2019 Đảng bộ Các cơ quan tỉnh có 77 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gồm 41 đảng bộ (292 chi bộ trực thuộc) và 36 chi bộ cơ sở. Tổng số 4.584 đảng viên. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan đơn vị trong khối Các cơ quan tỉnh là 8.494 người, trong đó:
- Khối Đảng, đoàn thể tỉnh: 489 người, gồm: 351 công chức, 80 viên chức, 58 lao động hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP.
- Khối hành chính: 1.243 người, gồm: 1.061 công chức, viên chức và 182 hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP.
- Khối sự nghiệp: 6.762 người, gồm 25 công chức, 6.695 viên chức, 47 lao động hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP.
Về trình độ: 99,93% đã tốt nghiệp phổ thông trung học; trên 75% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (1254 thạc sỹ, 74 tiến sỹ); hầu hết cán bộ đương chức hoặc trong quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh, đạo quản lý (2788 người) đã có bằng tốt nghiệp trung cấp LLCT trở lên (trong đó 931 người có bằng cao cấp, cử nhân).
Trong Đảng bộ Các cơ quan tỉnh có nhiều chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý khác nhau, nhiều công chức, viên chức đảm nhận những vị trí việc làm khác nhau và có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với hệ thống chính trị và sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Qua đánh giá hằng năm, nhìn chung đa số cán bộ, công chức, viên chức, lao động ở các đảng bộ, chi bộ cơ sở thuộc Đảng bộ Các cơ quan tỉnh đều bảo đảm tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và các văn bản quy định khác của Đảng và Nhà nước: Có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức lối sống lành mạnh; có ý thức tổ chức kỷ luật; nói, viết và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trên cương vị được giao; thực hiện đúng quy định về những việc cán bộ, đảng viên không được làm; giữ mối quan hệ thường xuyên với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú; tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc và trước Nhân dân; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở và các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Số lượng cán bộ dự nguồn trong quy hoạch đã khá dồi dào, cơ cấu ngày càng hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ.
Tuy vậy, nhìn tổng thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan đơn vị trong Đảng bộ cũng còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế: Số lượng, cơ cấu có mặt chưa thật sự hợp lý; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa phù hợp. Độ tuổi bình quân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở một số sở, ban, ngành còn cao. Thiếu những nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực; một bộ phận cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp, làm việc trong môi trường quốc tế còn yếu. Một số ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thiếu gương mẫu. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển... còn diễn biến phức tạp.
Công tác cán bộ được Đảng ta xác định là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết đã xác định rõ 5 quan điểm chỉ đạo, 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, 2 trọng tâm và chỉ ra 5 đột phá. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Bắc Giang có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Thường vụ Đảng ủy và cấp ủy của các đảng bộ, chi bộ trực thuộc cần quan tâm thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu trên, chú ý đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, chủ động, tích cực phối hợp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống… cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong Đảng bộ; đổi mới và nâng cao chất lượng học tập, bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung được nêu trong các nghị quyết, các kết luận của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy, ban hành những nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ; đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên; xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) gắn với việc thực hiện Chị thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; làm cho các cấp uỷ, tổ chức đảng, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng tin tưởng vào sự nghiệp đối mới đất nước, thấy rõ tầm quan trọng của công tác tổ chức cán bộ hiện nay; phát huy những ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ trong những năm tiếp theo.
Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ tất cả các khâu trong công tác cán bộ; khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế vừa qua, đưa công tác đánh giá cán bộ đi vào chất lượng, phản ánh đúng thực chất; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, quy hoạch cấp ủy, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ gắn với thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ trong quy hoạch, những cán bộ trẻ tuổi có triển vọng phát triển. Tăng cường cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Đảng bộ. Mặt khác phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động. Động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ, đảng viên gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đi đôi với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, để giữ vững kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Đề án số 02-ĐA/ĐU ngày 20/7/2016 của Ban Thường vụ Đảng uỷ Các cơ quan tỉnh về “Tăng cường kỷ cương, nền nếp, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các chi, đảng bộ ở các cơ quan giai đoạn 2015 - 2020”.
Bốn là, chỉ đạo làm tốt công tác quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ: Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy chế bầu cử, bổ nhiệm, tuyển chọn cán bộ, đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan; bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, triển vọng đảm nhiệm các vị trí công việc phù hợp để cán bộ có điều kiện học tập, thử thách, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến và tự khẳng định mình. Gắn công tác bố trí, sắp xếp cán bộ với công tác chính trị tư tưởng, công tác kiểm tra giám sát cán bộ. Kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức có nhiều biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; làm việc trì trệ, chất lượng, hiệu quả công việc kém; thực hiện đầy đủ, đúng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là chính sách tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, thu nhập tăng thêm hằng tháng…
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp uỷ các cấp trong Đảng bộ Các cơ quan tỉnh nói chung và Cơ quan Đảng uỷ nói riêng, với phương châm đủ về số lượng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn về đức và tài. Đó là có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ kiến thức ngày càng cao, có năng lực chuyên môn, lãnh đạo, quản lý giỏi, có khả năng quy tụ và đoàn kết nội bộ; năng động, sáng tạo, thạo việc, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trước mắt các cấp ủy cơ sở cần quan tâm thực hiện thật tốt các bước trong quy trình nhân sự, lựa chọn được những đồng chí tiêu biểu, có đủ phẩm chất và năng lực tham gia cấp ủy và các chức danh chủ chốt của cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của bộ Chính trị.
Sáu là, quan tâm phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ; lựa chọn đúng cán bộ bố trí làm công tác tham mưu về công tác cán bộ, bảo đảm người làm công tác tổ chức cán bộ phải có đạo đức trong sáng, trung thực, tâm huyết vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước; có tư duy đổi mới và phong cách làm việc dân chủ, sâu sát, khoa học, chống tư tưởng hẹp hòi, định kiến cá nhân và những biểu hiện tiêu cực khác trong công tác tổ chức, cán bộ.
Cấp ủy ở các đảng bộ, chi bộ trong Đảng bộ Các cơ quan tỉnh có vai trò rất quan trọng, song cũng có những nét đặc thù trong chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền về công tác cán bộ, do vậy cần chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ. Quan tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tin tưởng trong thời gian tới chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm số lượng, chất lượng hơn, cơ cấu hợp lý hơn, đúng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác cán bộ./.
Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, T5, tr. 269.
Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, T5, tr. 240.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.252 – 253.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t3, tr.197
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr 498