MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ HIỆN NAY
Thứ hai - 18/01/2021 21:252.0961
Chi bộ là “nền móng”, “gốc rễ” của Đảng, là hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt”[1],“Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”[2], “Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”[3]. Các chi bộ muốn trở thành chi bộ tốt, thì phải thực hiện tốt chế độ sinh hoạt chi bộ. Do đó việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một yêu cầu tất yếu và là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng hiện nay.
Vì lý do trên, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo về việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gần đây có: Chỉ thị số 10 -CT/TW ngày 30/3/2007 và Kết luận số 18-KL/TW ngày 22 /9 /2017 của Ban Bí thư Trung ương; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02/3/2012, Hướng dẫn số 12- HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức (BTC) Trung ương Đảng, Hướng dẫn số 14-HD/TCTU ngày 14/10/2013, Hướng dẫn số 05- HD/BTCTU ngày 12/02/2019 BTC Tỉnh ủy Bắc Giang... Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chi bộ và sinh hoạt chi bộ, cũng như yêu cầu nhiệm vụ và tính đặc thù của các chi bộ, những năm qua Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy Các cơ quan (CCQ) tỉnh Bắc Giang đã đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo cấp ủy ở các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. BTV Đảng ủy có Đề án số 02-ĐA/ĐU, Chương trình số 11-CTr/ĐU, Công văn số 181-CV/ĐU ngày 04/4/2017, Hướng dẫn số 18- HD/ĐU ngày 19/4/2019 hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, đồng thời có Quyết định phân công ủy viên BTV, đảng ủy viên và chuyên viên của Đảng ủy theo dõi, dự sinh hoạt với các chi bộ hằng tháng. Hiện nay Đảng bộ các cơ quan tỉnh Bắc Giang có 77 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với tổng số 4.587 đảng viên sinh hoạt tại 315 chi bộ (gồm 37 chi bộ cơ sở, 266 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, 12 chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận)[4]. Số chi bộ trong Đảng bộ CCQ tỉnh có nhiều loại hình khác nhau. Qua tổng hợp báo cáo cho thấy trong nhiệm kỳ 2015-2020 hầu hết các chi bộ đã duy trì có nền nếp chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt cao, đã có những mô hình mới, cách làm hay, khắc phục tính đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt chi bộ. Sinh hoạt chuyên đề được quan tâm, nội dung thiết thực hơn, có sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp. Nội dung sinh hoạt chuyên đề đã đi sâu vào các chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hoặc bàn về các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên; giải pháp ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chi bộ; về công tác xây dựng đảng, xây dựng cơ quan, đoàn thể vững mạnh; về công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị và những nội dung khác theo đặc điểm của từng loại hình chi bộ. Nhờ đó đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về chất lượng sinh hoạt của các chi bộ trong toàn Đảng bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Tuy nhiên, chất lượng sinh hoạt của một số chi bộ, nhất là chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trong các cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế; còn có đảng viên vắng nhiều kỳ sinh hoạt; nội dung sinh hoạt còn nặng về công tác chuyên môn; tính giáo dục, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chưa cao. Một số chi bộ chưa tổ chức tốt việc sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề, lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề còn chưa sát; việc phân công chuẩn bị và thực hiện các bước trong sinh hoạt chuyên đề còn bị động lúng túng, còn mang tính hình thức, chưa sâu sắc, chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do còn một số cấp ủy và một bộ phận đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sinh hoạt chi bộ; chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; chưa lắng nghe ý kiến của đảng viên và quần chúng. Một số đồng chí bí thư chi bộ chưa đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ cho công tác xây dựng Đảng nói chung và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nói riêng. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên về sinh hoạt chi bộ chưa thường xuyên và sâu sát. Nhiều đảng viên chưa tích cực, chủ động tham gia ý kiến trong các kỳ sinh hoạt, chưa mạnh dạn đấu tranh phòng chống các biểu hiện tiêu cực... Đại hội Đảng bộ CCQ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII đã xác định một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ 2020 – 2025 là phải “Duy trì có nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Mỗi quý mỗi cấp ủy cơ sở và chi bộ phải sinh hoạt chuyên đề ít nhất một lần”[5]. Để thực hiện tốt điều đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: Một là,Phải làm tốt công tác tư tưởng, thường xuyên phổ biến, quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc quy định của Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy và của cấp ủy cấp trên về sinh hoạt chi bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy và tất cả đảng viên về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cũng như hiểu rõ nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành sinh hoạt chi bộ. Bác Hồ từng dạy:“Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng... vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt...”, “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”[6]. Thực tế chứng minh, khi nhận thức đúng thì hành động sẽ đúng. Hai là,xây dựngvà tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc và chương trình công tác của chi bộ.Vì quy chế làm việc của chi bộ và các chương trình công tác của chi bộ là cơ sở để tổ chức sinh hoạt chi bộ. Vừa qua các chi bộ đều đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ, vì vậy phải xây dựng và ban hành ngay quy chế làm việc của chi bộ khóa mới, theo quy chế mẫu do BTV Đảng ủy CCQ tỉnh ban hành, trong đó nêu rõ nguyên tắc và chế độ sinh hoạt chi bộ. Đảng viên của các chi bộ trong Đảng bộ Các CCQ tỉnh hầu hết đều là cán bộ, công chức,viên chức, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, hoặc trưởng, phó phòng cấp tỉnh, số còn lại cũng đang đảm nhận những vị trí trọng yếu trong bộ máy của các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp của tỉnh, do vậy chi bộ cần xây dựng chương trình công tác, lựa chọn thời gian sinh hoạt chi bộ cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên có thể dự sinh hoạt chi bộ đầy đủ, đạt chất lượng tốt. Ba là,đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức sinh hoạt; tăng cường sự lãnh đạo của chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và trong công tác cán bộ. Các chi bộ cần nghiên cứu vận dụng sáng tạo các hình thức sinh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị, làm cho các buổi sinh hoạt trở lên đa dạng về hình thức, phong phú sinh động về nội dung, bảo đảm về nguyên tắc, hiệu quả thiết thực. Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy, trực tiếp là bí thư chi bộ phải cân nhắclựa chọn nội dung sinh hoạt cho hợp lý, chỉ đạo chuẩn bị kỹ từng nội dung, tránh cách làm qua loa, đại khái, dẫn đến nội dung họp chi bộ sơ sài, đảng viên cảm thấy nhàm chán, thiếu hứng thú khi đi dự sinh hoạt. Trong sinh hoạt định kỳ hằng tháng:Kịp thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mới ban hành; tình hình thời sự nổi bật trong nước và quốc tế; kiểm điểm đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chi bộ tháng trước; xác định rõ các nhiệm vụ chi bộ tháng sau... tập trung thảo luận, bàn giải pháp lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và thực hiện các khâu, các quy trình về công tác cán bộ theo thẩm quyền của chi bộ. Mặt khác, phải tiến hành tự phê bình và phê bình theo tinh thần Công văn số 624-CV/TU ngày 01/3/2017 của BTV Tỉnh ủy.Khi tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề: Chi ủy chủ động lựa chọn nội dung cho sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và của cơ quan, đơn vị, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng; phân công những đảng viên có kiến thức, kinh nghiệm có khả năng thuyết trình để chuẩn bị, trình bày. Chi ủy gợi ý, hướng dẫn để các đảng viên nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu về các vấn đề cần quan tâm. Sau khi sinh hoạt chi bộ cần ban hành nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, bảo đảm hiệu quả thiết thực. Bốn là,thường xuyên kiện cấp ủy chi bộ, đề cao vai trò, trách nhiệm, năng lực điều hành của bí thư, phó bí thư chi bộ trong sinh hoạt chi bộ. Vì chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc chủ yếu vào cấp ủy, trực tiếp là đồng chí bí thư chi bộ, do đó phải kiện toàn nâng cao chất lượng chi ủy, thực hiện thống nhất chủ trương thủ trưởng cơ quan đơn vị đồng thời là bí thư cấp ủy.Bí thư chi bộ phải là người tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, trình độ và uy tín, nhiệt tình, tâm huyết với công tác đảng, thực sự gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ để mọi người noi theo. Bí thư chi bộ phải nắm chắc được các nguyên tắc, nội dung, phương pháp điều hành sinh hoạt chi bộ; phải mở rộng dân chủ, tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; chú ý giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí trong cấp ủy vàchi bộ.Có như vậy mới nâng cao được chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ. Năm là,tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy cấp trên đối với việc tổ chức sinh hoạt của các chi bộ trực thuộc. Sinh hoạt chi bộ là hoạt động chủ yếu thường xuyên trong nội bộ của các chi bộ, do đó chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc vào sự chủ động, tích cực, sáng tạo của chính cấp ủy và đảng viên trong chi bộ. Tuy vậy, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy cấp trên lại đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới BTV, BTC Đảng ủy CCQ tỉnh và các cấp ủy cơ sở phải nghiên cứu đề ra những chủ trương, giải pháp đúng, mang tính định hướng, kịp thời xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về sinh hoạt chi bộ và tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề; có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cấp uỷ viên, bí thư chi bộ về kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ sinh hoạt của các chi bộ trực thuộc. Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề thường phải có sự chuẩn bị công phu, mất nhiều thời gian, công sức cho nên nhiều chi bộ có tâm lý ngại khó, không muốn tổ chức. Bởi vậy, cấp ủy cấp trên cần phân công cấp ủy viên phụ trách các chi bộ, dự sinh hoạt với chi bộ do mình phụ trách để theo dõi, đôn đốc, đánh giá chất lượng sinh hoạt của chi bộ đó. Cụ thể hóa và thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên, chúng ta có thể tin tưởng rằng trong thời gian tới chất lượng sinh hoạt, nhất là sinh hoạt theo chuyên đề của các chi bộ trong Đảng bộ CCQ tỉnh sẽ có những chuyển biến tích cực. Đó cũng là những giải pháp thiết thực để củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng hiện nay, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.
PGS-TS Thân Minh Quế
TUV- Bí Thư Đảng ủy CCQ tỉnh
[1]Hồ Chí Minh - toàn tập, NxbCTQG, H. 2011, Tập 15, tr. 113
[2] Hồ Chí Minh - toàn tập, NxbCTQG, H.2002, Tập 12, tr.120.
[3] Hồ Chí Minh - toàn tập, NxbCTQG,H.2002, tập 11, tr.161.